Quy hoạch Bán đảo Sơn Trà giành giải thưởng của hội kiến trúc sư Hoa Kỳ

Quy hoạch Bán đảo Sơn Trà giành giải thưởng của hội kiến trúc sư Hoa Kỳ

Quy hoạch bán đảo Sơn Trà do Skidmore, Owings & Merrill LLP (SOM) thực hiện cho thành phố Đà Nẵng vừa nhận được Giải thưởng về Thiết kế vùng & đô thị năm 2014** của Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (American Institute of Architects). Đây là đồ án thứ hai của SOM tại Việt Nam nhận được giải thưởng này sau quy hoạch đô thị Nam Sài Gòn.
Bán đảo Sơn Trà nằm ở phía Đông-Bắc thành phố Đà Nẵng với diện tích khoảng 60 cây số vuông. Bán đảo Sơn Trà kết nối với Đà Nẵng qua cầu Thuận Phước vốn được hoàn thành vào năm 2009. Cầu Thuận Phước gia tăng khả năng tiếp cận giao thông tới Sơn Trà nhưng cũng đồng thời mang theo áp lực đầu tư tới bán đảo, đe dọa cảnh quan môi trường, nhất là khi Sơn Trà thiếu vắng một quy hoạch tổng thể để định hướng cho phát triển.
Bản quy hoạch đề xuất một loạt những chiến lược nhằm nâng cao vị thế của Sơn Trà như một điểm đến cho du lịch sinh thái đồng thời bảo vệ những tài sản thiên nhiên độc đáo. Bản quy hoạch đề xuất tạo ra vùng không xây dựng đối với khu vực có độ cao trên 100m đồng thời đề xuất vị trí các vùng phát triển mà có thể tạo ra các cơ hội kinh tế mà không ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Dựa trên nghiên cứu độ dốc, bản quy hoạch xác định vị trí xây dựng phù hợp nhằm giảm thiểu việc san lấp đất dọc sườn đồi và bờ biển. Tác động thị giác của các dự án phát triển trong tương lai cũng được giảm thiểu bằng cách bố trí các dự án trong thung lũng hoặc xung quanh các vịnh nhỏ, nơi mà công trình có thể được “dấu” vào trong thiên nhiên.
Các ý tưởng chủ đạo của đồ án (Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng):
st1.jpg
Tạo ra một công viên quốc gia mới cho Việt Nam với việc tuân thủ những chỉ dẫn một cách nghiêm ngặt nhằm tạo ra một sự đảm bảo chắc chắn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, xứng đáng với danh hiệu một công viên quốc gia dựa trên giá trị cảnh quan tự nhiên của bán đảo.
st2.jpg
st3.jpg
st4.jpg  
Thúc đẩy du lịch sinh thái với việc khuyến khích các hoạt động du lịch tại khu vực đất liền và dưới nước, bao gồm các hoạt động khám phá tài nguyên quý giá, giải trí ngoài trời, ưu tiên hoạt động đi bộ, tổ chức các sự kiện thể thao truyền thống hay củng cố dịch vụ phục vụ bơi lội, lặn biển, tham quan đáy biển.
 st5.jpg
st6.jpg
Đảm bảo thiên nhiên luôn là chủ đạo với việc giới hạn sự phát triển sao cho chỉ nằm ở những khu vực thấp dọc bờ biển, giúp đảm bảo rằng khung cảnh thiên nhiên của bán đảo vẫn là hình ảnh chủ đạo khi quan sát từ xa. Các dự án phát triển xây dựng không nên nằm ở vị trí cao hơn mức +100m trên mực nước biển.
st7.jpg
Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên với việc tập trung sự phát triển bên trong một số khu vực chuyên biệt dọc theo cảng biển.Tuy nhiên những dự án phát triển chỉ nên tập trung và ẩn vào bên trong những vịnh và thung lũng tự nhiên tại những vùng thấp của bán đảo.
 st8.jpg
st9.jpg
Tích hợp phát triển vào bên trong tự nhiên với việc ẩn các công trình xây dựng nhân tạo vào địa hình tự nhiên vốn có. Phải hòa vào cảnh quan tự nhiên ngay từ tính chất của vật liệu xây dựng. Có thể xây dựng các dự án nằm cao hơn mức +100m trên mực nước biển tại những thung lũng nếu các công trình thực sự được tích hợp hài hòa với khugn cảnh xung quanh. Những dự án nằm ở những đỉnh đồi và các điểm cao của bán đảo thì nhất định không được cho phép.
Bảo tồn môi trường sống hoang dã trên đất liền cũng như dưới biển. Chỉ tác động nhẹ nhàng lên mặt đất, hạn chế tác động, giảm thiểu tới mức thấp nhất những dấu tích xây dựng trên cảnh quan tự nhiên.
Sôi động hóa khu vực cảng và bến cảng với việc tạo nên một điểm đến thu hút cũng như một trung tâm năng động dọc theo phía thành phố của bán đảo Sơn Trà. Thành lập những khu tập trung dân cư sôi động, khu vực dạo chơi thư giãn ven bờ và cả những trung tâm cung cấp những dịch vụ giải trí về đêm cho người dân và khách du lịch có nhu cầu ở những khu vực nhất định dọc theo bờ biển.
Tạo ra một hòn đảo với nhiều con đường nhỏ và giảm thiểu tác động của phương tiện giao thông. Tập trung hướng đến hoạt động đi bộ, đạp xe hay leo núi với việc bổ sung thêm hệ thống đường mòn nhỏ được thiết kế nối liền những công trình dọc bờ biển, kết nối các khu cảng với nhau. Bên cạnh đó, hạn chế giảm thiểu tác động của việc xây dựng các con đường cắt ngang vào những cảnh quan địa hình sẵn có.
Tạo ra một điểm đến thu hút trên đỉnh núi, hé lộ những góc nhìn tuyệt đẹp về thành phố và ra biển với việc thiết lập một điểm vọng cảnh rộng lớn nhìn về thành phố thông qua hệ thống cáp treo chạy xuyên qua một thung lũng bắt đầu từ bờ phía Nam.
st11.jpg
Các khu vực bị đe dọa. Nguồn: Viện QH Đà Nẵng
st12.jpg
Các khu vực bị đe dọa. Nguồn: Viện QH Đà Nẵng
st131.jpg
Chiến lược phát triển. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng
st14.jpg
Chiến lược phát triển tập trung. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng
st15.jpg
Mật độ phát triển. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng

Đề xuất về giao thông. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng
st17.jpg
Quy hoạch khu vực vịnh phía Nam. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng
st18.jpg
Quy hoạch khu vực vịnh phía Tây. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng
st19.jpg
Quy hoạch khu vực mũi phía Đông. Nguồn: Viện Quy hoạch Đà Nẵng
Về cơ bản, đồ án quy hoạch Sơn Trà hướng đến việc xây dựng một khung phát triển cho bán đảo này nhằm giảm thiểu tác động vào môi trường thiên nhiên trong khi khai thác những tiềm nằng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, với những thông tin có được từ thuyết trình của SOM mà có thể không có những thông tin cần thiết làm nền tảng cho một quy hoạch bảo tồn như khảo sát về đa dạng sinh học, thảm thực vật, đất,v.v… Chúng ta cũng không có thông tin lý giải cho việc lựa chọn cao độ 100m như là giới hạn phát triển. Có thể quyết định này dựa trên việc xem xét các dự án đang được triển khai tại Sơn Trà. Đồ án cũng chưa xem xét yếu tố nước biển dâng cao và tác động của nó đối với khu vực ven biển xung quanh bán đảo.
Cuối cùng, việc có một bản quy hoạch tốt chỉ là bước đầu tiên của một hành trình dài hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng. Thực tế thường phá vỡ những ý tưởng quy hoạch ban đầu. Trong một đồ án khác cũng được giải thưởng tương tự của AIA: Đô thị Nam Sài Gòn, SOM đề xuất bảo tồn vùng nông nghiệp và ngập nước phía Nam như vành đai xanh của thành phố Hồ Chí Minh – một ý tưởng được ngợi ca bởi ban giám khảo AIA. Tuy nhiên sau đó, chính dự án Nam Sài Gòn – Phú Mỹ Hưng là chất xúc tác để vùng đất ngập nước và có nền đất yếu này bị đô thị hóa. Đối với quy hoạch bán đảo Sơn Trà, những phát biểu của bí thư Nguyễn Bá Thanh vào năm 2011 sau khi nghe SOM báo cáo làm chúng ta lo ngại về khả năng quy hoạch bị phá vỡ ngay khi đưa vào thực hiện. Ông Thanh phát biểu (theo tường thuật của báo Đà Nẵng**): đề bài” đặt ra là “biến” bán đảo Sơn Trà thành thành phố sinh thái kết hợp giữa các khu vực ở, công trình du lịch, vui chơi giải trí, tham quan, khám phá, chữa bệnh… Độ cao nghiên cứu không chỉ dừng ở 100m (từ mặt biển trở lên) mà có thể lên 200m – 300m, thậm chí lên đến các đỉnh 600 – 700m. Đây là độ cao lý tưởng để từ đỉnh Sơn Trà có thể quan sát bao quát TP Đà Nẵng và các vùng lân cận như Hải Vân, Lăng Cô (Thừa thiên Huế), Cù lao Chàm (Hội An) và biển Đông.
Mặc dù ông Thanh không quên nhấn mạnh đến việc “Phải biến bán đảo Sơn Trà thành nơi con người gắn liền với thiên nhiên chứ đừng sợ con người vào đây sẽ phá hỏng môi trường.” Nhưng quả thực với mong ước của ông về một “thành phố sinh thái” thì bài toán bảo tồn – phát triển Sơn Trà chưa thực sự có lời giải như chính đại diện của SOM bài tỏ sau đó: “đề bài” mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đặt ra là rất khó, vì phải làm sao cân bằng giữa phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ gắn liền với bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà (?)
(*)Tên tiếng Anh mà SOM sử dụng là Son Tra Peninsula Strategic Vision Plan còn Viện Quy hoạch Đà Nẵng gọi là Quy hoạch 1/2000 bán đảo Sơn Trà
**Nguồn: http://www.aia.org/practicing/awards/2014/regional-urban-design/son-tra-peninsula/
***Nguồn: http://baodanang.vn/channel/5407/201105/xay-dung-ban-dao-son-tra-thanh-thanh-pho-sinh-thai-2051471/
Theo dothivietnam
 

Quay lại