Liên kết website

Gia Lai: Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT

04/03/2020
Ngày 4/3/2020, tại thành phố Pleiku, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, chủ trì họp sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 2 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng tiếp theo năm 2020 bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm và 17 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Theo đó, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo công tác an toàn giao thông của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung, giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm TTATGT; tổ chức triển khai các đợt cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhất là các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Riêng đối với công tác kiểm tra, thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý việc chấp hành tốc độ, thời gian lái xe, việc truyền dữ liệu của phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình; nhắc nhở gần 160 lái xe của 60 đơn vị vi phạm thời gian lái xe liên tục; hơn 340 phương tiện không truyền dữ liệu về máy chủ Tổng cục Đường bộ Việt Nam; thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 19 xe vi phạm; Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra 60 lượt phương tiện, phát hiện 35 phương tiện vi phạm; lập 50 biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 tổ chức và 42 cá nhân với tổng số tiền xử phạt 143,40 triệu đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn 6 Giấy phép lái xe, 2 phù hiệu vận tải, hạ 38,02 tấn hàng hóa; phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ III.4 kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Cảnh sát giao thông toàn tỉnh; đã mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT 2 tháng đầu năm 2020: đã kiểm tra 41.899 lượt phương tiện, lập biên bản 18.274 trường hợp, xử phạt 15.597 trường hợp vi phạm với số tiền 6,9 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 21%); trong đó lập biên bản 978 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 05 trường hợp vi phạm ma túy, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn 19 trường hợp, quyết định xử phạt 502 trường hợp, thành tiền 1 tỷ 536 triệu đồng, tước 422 giấy phép lái xe. Tiến hành gọi hỏi, răn đe 168 đối tượng thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia tham gia giao thông, càn quấy, gây mất trật tự giao thông, đưa ra kiểm điểm trước dân, giao gia đình giáo dục, quản lý, yêu cầu viết cam kết không tái phạm.
Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2020 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, cụ thể: toàn tỉnh xảy ra 56 vụ, làm chết 35 người và làm bị thương 59 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 4 vụ, tăng 1 người chết, tăng 14 người bị thương. 2 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao: Đức Cơ tăng 300%, Chư Sê tăng 150%.
Hội nghị đã phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông thời gian qua tăng cao: tai nạn xảy ra trên đường giao thông nông thôn, liên quan đến xe mô tô, tai nạn trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian triển khai kiểm soát nồng độ cồn gia tăng. Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trong vùng nông thôn chưa được rộng rãi do mới triển khai, có nơi chưa thực hiện. Mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao (Lũy kế phương tiện cơ giới quản lý trên địa bàn tỉnh: mô tô đến tháng 2/2020 là 838.701 xe, ô tô là 49.930 xe); tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số tăng cao (tăng 44,44% số vụ, tăng 150% số người chết, tăng 33,33% số người bị thương), chủ yếu liên quan đến thanh thiếu niên không có Giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển, xe mô tô độ chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật và sau khi đã sử dụng rượu bia, chở nhiều người, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT gây tai nạn giao thông.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến về kết quả, tồn tại, hạn chế và đóng góp nhiều giải pháp tích cực đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông của địa phương, ngành trong thời gian đến. Kết luận cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian đến, các cơ quan, đơn vị thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các lực lượng chức năng, các địa phương có đánh giá, làm rõ các việc đã làm, chưa làm được, các tồn tại cần khắc phục; triển khai các nội dung và giải pháp trong công tác bảo đảm TTATGT, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, chú trọng tuyên truyền hậu quả tai nạn giao thông; nhất là trong vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự giao thông lưu động; xử lý nghiêm phương tiện không bảo đảm an toàn, hết niên hạn, xe độ chế tham gia giao thông; vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện; có biện pháp giáo dục các biệt các đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên càn quấy, gây mất trật tự giao thông; sử dụng camera đã lắp đặt theo dõi, xử lý “nguội” các trường hợp vi phạm trật tự giao thông...; cương quyết không để tăng tai nạn giao thông trong thời gian tới./.
                                                                                                         (Tin Văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai)

Các tin khác