CHUYÊN MỤC

Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản > Các KCN, cụm CN > Gia Lai: Tập trung phát triển KKT cửa khẩu và công nghiệp

Gia Lai: Tập trung phát triển KKT cửa khẩu và công nghiệp

15/10/2013

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) là một xu hướng mới trong chính sách phát triển kinh tế đối ngoại của nước ta trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nhằm khai thác lợi thế về vị trí địa lý kinh tế, chính trị, các tiềm năng và nguồn lực của dải biên giới nói chung và của từng địa phương nói riêng.

KKT cửa khẩu: động lực phát triển các ngành kinh tế
Trong bối cảnh của xu thế toàn cầu hóa, vấn đề hợp tác, mở cửa và hội nhập đã trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Những quan hệ bang giao, hợp tác được phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển cùng có lợi, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững. Điều đó đặt ra yêu cầu và đòi hỏi các quốc gia cần có chiến lược phát triển kinh tế vùng biên, đặc biệt là phát triển KKTCK, mà tâm điểm là hình thành một đầu mối giao lưu cửa khẩu biên giới đất liền thông thoáng với hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng thuận lợi, trên cơ sở pháp lý cùng những chính sách phát triển phù hợp.
Gia Lai là một tỉnh miền núi biên giới phía Tây, có KKTCK quốc tế Lệ Thanh với diện tích tự nhiên 41.679ha và dân số khoảng 31,2 nghìn người. Đây là điều kiện rất thuận lợi để cho khu vực này phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp… tạo thành một khu đô thị biên giới.
Sự phát triển của KKTCK quốc tế Lệ Thanh có tác động rất lớn tới quá trình phát triển của Gia Lai về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh, đồng thời còn hỗ trợ cho sự phát triển của các tỉnh Đông Bắc Campuchia, qua đó, góp phần phát triển quan hệ kinh tế thương mại với các tỉnh Nam Lào trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thời gian qua, các chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư phát triển KKTCK của trung ương về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và hỗ trợ đầu tư của địa phương đã tạo tiền đề rất thuận lợi để đầu tư xây dựng và phát triển KKTCK. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn chưa khai thác tốt các tiềm năng vốn có, kinh tế cửa khẩu phát triển chưa tương xứng với thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi và chưa tạo được sức cạnh tranh cao so với các địa phương khác. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao, kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn, cơ chế, chính sách chưa thật đồng bộ..
KKTCK mang tính đặc thù, vì vậy bên cạnh các chính sách kinh tế chung đòi hỏi phải có chính sách đặc thù mới có thể đánh thức và khai thác mạnh mẽ tiềm năng của kinh tế vùng biên. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thị trường định hướng XHCN thì giá trị tăng trưởng từ KKTCK là nguồn tích lũy nội lực khá quan trọng.
Theo ông Lý Trọng Hiệp, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai, giải pháp hữu hiệu nhất để phát huy tốt các tiềm năng kinh tế, để xứng tầm với các yếu tố thiên thời, địa lợi mà Gia Lai đang có là phải vận dụng, cụ thể hoá hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế của Trung ương thành chính sách mang tính đặc thù của tỉnh, hướng sự phát triển KKTCK của tỉnh vào một số lĩnh vực “chuyên môn hóa”, có lợi thế riêng của địa phương. Trong đó, ưu tiên chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp sản xuất và chế biến phục vụ cho xuất khẩu; chính sách hấp dẫn thu hút các tập đoàn kinh tế ở các vùng đến đầu tư, từng bước hình thành lực lượng chủ công trong các ngành sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, tỉnh Gia Lai sẽ nhanh chóng quy hoạch hoàn chỉnh phát triển kinh tế - xã hội đối với KKTCK Lệ Thanh đến năm 2020, gắn kết có hiệu quả với các KKT trong khu vực, các cụm công nghiệp, khu đô thị và hệ thống giao thông đường bộ của quốc gia nhằm tạo thuận lợi trong giao thương hàng hoá; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có kỹ năng quản lý cao đối với các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch.
Phát triển công nghiệp: khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Công nghiệp giữ vai trò quyết định đến phát triển kinh tế và phân công lao động xã hội, là ngành tạo ra sản lượng sản phẩm chủ yếu để cung cấp, phục vụ cho nhu cầu đời sống xã hội. Khi công nghiệp phát triển sẽ tạo tiền đề và động lực thúc đẩy các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển đồng bộ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện giảm nghèo bền vững. Riêng đối với Gia Lai, phát triển công nghiệp còn có vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để phân công lao động theo hướng tiến bộ.
Trong 10 năm qua, được sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, toàn tỉnh đã cơ bản hình thành được KCN Trà Đa (đang hoạt động), KCN Tây Pleiku và KCN thuộc KKTCK quốc tế Lệ Thanh (chưa được đầu tư hạ tầng), từ đó đã thu hút được các nhà đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất công nghiệp với quy mô khá lớn, lượng sản phẩm tạo ra tương đối khá, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, ngoài KCN Trà Đa, công nghiệp của Gia Lai hầu hết vẫn là những cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, lại hình thành đan xen trong các khu dân cư, sản lượng tạo ra chưa nhiều, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn phổ biến.
Để khắc phục được tồn tại này, cần tập trung tiến hành quy hoạch chi tiết, đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN hiện có, đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, hình thành các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc hình thành các KCN mới không những thu hút được các nhà đầu tư, mà còn tạo điều kiện để di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, hiện đan xen trong khu dân cư vào các KCN, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sản xuất gây ra.
 Tuy nhiên, việc xây dựng hoàn chỉnh các KCN là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn, địa hình tại Gia Lai đồi dốc hiểm trở, cho nên chi phí đầu tư hạ tầng cao so với các tỉnh lân cận. Do vậy, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng các KCN đã được duyệt, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư, Ban Quản lý KKT tỉnh Gia Lai sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư hạ tầng các KCN đã được ban hành, đẩy mạnh xã hội hoá công tác này thông qua các hình thức kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư, đồng thời, đề xuất bố trí nguồn vốn thoả đáng từ ngân sách cùng với việc áp dụng nhiều hình thức đầu tư theo các phương thức khác nhau để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các KCN, bảo đảm điều kiện tiên quyết cần có để phát triển công nghiệp.
Bảo Trân

Other



Copyright © 2016 Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Bá Thạch - Giám đốc Sở Xây dựng
Địa chỉ: 17 Trần Hưng Đạo, Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3824428 - Fax: (0269) 3824574 - Email:sxd@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 18 tháng 01 năm 2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
  Chung nhan Tin Nhiem Mang