CHUYÊN MỤC

Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản > Các dự án bất động sản tỉnh Gia Lai > Người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Đề xuất “mở rộng cửa”

Người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Đề xuất “mở rộng cửa”

23/10/2013

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2008/QH12 trước Quốc hội. Báo Xây dựng xin lược trích những nội dung quan trọng trong báo cáo này.

Chính sách còn hạn chế
Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một chính sách mới trong việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng Chính phủ nhận thấy rằng, do lần đầu tiên quy định về vấn đề này nên nội dung của Nghị quyết vẫn còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở và loại nhà ở được mua và sở hữu. Do đó, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết thí điểm thì chỉ mới có một số lượng ít tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua và sở hữu nhà ở.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến hết quý II/2013 trên phạm vi cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa
Qua thống kê cho thấy, trong số 126 trường hợp đã mua nhà ở tại Việt Nam thì chủ yếu là các cá nhân nước ngoài (chiếm khoảng 80%), các DN nước ngoài (chiếm khoảng 20%). Thực tế, có ít DN nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam một phần là do chi phí mua nhà ở còn quá cao so với chi phí thuê nhà ở cho người nước ngoài đang làm việc tại DN đó ở, một phần do DN không được cho thuê, không được bố trí cho cá nhân trong nước sử dụng khi nhà ở đã mua không sử dụng hết hoặc bỏ trống khi các chuyên gia làm việc tại DN hết hạn về nước. Từ kết quả nêu trên cho thấy, do chính sách này còn có những hạn chế nhất định về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở nên vẫn chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở. Chính phủ nhận thấy, cần thiết phải trình Quốc hội sửa đổi chính sách này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời để bảo đảm tính liên tục trong việc thực hiện chính sách này khi hết thời hạn thực hiện thí điểm Nghị quyết số 19/2008/QH12 vào cuối năm 2013.
Mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện
Theo quy định của Nghị quyết số 19/2008/QH12 thì đến cuối năm 2013 sẽ hết hạn thực hiện thí điểm chính sách cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, như vậy việc triển khai thực hiện Nghị quyết này sẽ được dừng lại. Theo phân tích của chuyên gia, việc dừng thực hiện Nghị quyết này sẽ có một số tác động đến chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong đề xuất của Bộ Xây dựng, người nước ngoài có thể mua căn hộ, nhà liên kế, biệt thự. Theo đó, thêm nhiều đối tượng người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam như về tổ chức cho phép các quỹ đầu tư nước ngoài, ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ).
Về cá nhân, đề nghị cho phép tất cả đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ ba tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ những người đang làm việc ở các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ).
Đề xuất đưa ra hai phương án: Các đối tượng này có thể được mua và sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, hoặc chỉ được mua hoặc sở hữu không quá hai căn hộ, nhà ở riêng lẻ. Về thời hạn, ngoài quy định cá nhân được sở hữu trong 50 năm (thêm một lần gia hạn tương đương) như trước đây, Bộ đề nghị chỉ sở hữu trong 70 năm (không được gia hạn).
Lần sửa đổi này, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung một số quyền của chủ sở hữu. Trong đó, quan trọng nhất là việc cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà ở) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua.
Đi kèm đó, việc cho thuê hoặc hợp tác để khai thác, sử dụng nhà ở phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà ở địa phương, phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật. Đồng thời cho phép người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng phải nộp thuế thu nhập gấp hai lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhằm đề phòng những khó khăn phát sinh về quản lý, Bộ Xây dựng đề nghị không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Với nhà ở riêng lẻ, trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn nhà.
Để tiếp tục góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết cho phép kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm Nghị quyết số 19/2008/QH12 đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành; đồng thời để khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách hiện hành nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm khi vào Việt Nam làm việc thì cùng với việc kéo dài thời hạn thí điểm, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết này.

Other



Copyright © 2016 Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Bá Thạch - Giám đốc Sở Xây dựng
Địa chỉ: 17 Trần Hưng Đạo, Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3824428 - Fax: (0269) 3824574 - Email:sxd@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 18 tháng 01 năm 2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai
  Chung nhan Tin Nhiem Mang